Rắn sọc đốm đỏ (danh pháp khoa học: Oreocryptophis porphyraceus) là một loài rắn nước châu Á, được Cantor mô tả khoa học đầu tiên năm 1839, hiện được coi là loài duy nhất trong chi Oreocryptophis; trước đây nó từng được xếp vào chi Elaphe.
Loài rắn này có đầu nhỏ, nhọn và hơi vuông. Màu da bao gồm đỏ và cam với các sọc màu đen.
Là loài sống trên cạn, nó ưa thích khí hậu mát mẻ nên phạm vi phân bố bị hạn chế trong khu vực cao nguyên nhiều đồi núi.
Trong nhiều trường hợp được tìm thấy ở độ cao trên 800m trong các khu rừng mưa ẩm ướt thường xanh hay các khu rừng gió mùa, phụ thuộc vào phân loài và khu vực.
Phần lớn thời gian chúng ẩn nấp trong các ổ lá, dưới các thảm rêu hay dưới khe đá hoặc gốc cây. Nó hoạt động chủ yếu từ lúc hoàng hôn qua đêm tới rạng sáng ngày hôm sau.
Thức ăn chủ yếu của rắn sọc đốm đỏ là các loài lưỡng cư và thú gặm nhấm nhỏ, thường đẻ từ 2 - 7 trứng. Trứng thuôn dài có vỏ dai màu trắng.
Ở nước ta, loài rắn này đã được phát hiện sinh sống tại các tỉnh: Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh và vườn quốc gia Konkakinh thuộc tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng cá thể này đang bị suy giảm nhanh chóng và cần được bảo vệ ở mức báo động.